Vai trò của công đoàn trong quan hệ lao động
VAI TRÒ CỦA CÔNG ĐOÀN TRONG QUAN HỆ LAO ĐỘNG
Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất có quyền đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động tại đơn vị sử dụng lao động. Công đoàn có vai trò quan trọng trong quan hệ lao động, trong việc xây dựng và phát triển quan hệ lao động.
1. Công đoàn trong quan hệ lao động
Theo quy định tại Điều 10, Hiến pháp năm 2013, công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Luật Công đoàn năm 2012 quy định công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhânvà những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ( Điều 1).
Điều 188 Bộ luật lao động 2012 quy định đầy đủ, cụ thể vai trò của các cấp công đoàn trong quan hệ lao động. Đây là cơ sở pháp lý để tổ chức công đoàn các cấp thực hiện thống nhất quyền hạn, trách nhiệm của mình đối với người lao động cũng như phối hợp chặt chẽ với đơn vị sử dụng lao động và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vấn đề của quan hệ lao động.
2. Vai trò của công đoàn trong quan hệ
Công đoàn trong lao động bao gồm tổ chức công đoàn cấp cơ sở, tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp và tổ chức công đoàn các cấp nói chung
2.1. Vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở
Trước hết, đối với tổ chức công đoàn cơ sở, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Công đoàn năm 2012, công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của công đoàn, tập hợp đoàn viên công đoàn trong một hoặc một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Công đoàn cơ sở là cấp công đoàn gắn bó trực tiếp với người lao động, có vai trò rất quan trọng trong quan hệ lao động. Công đoàn cơ sở không chỉ đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đoàn viên công đoàn mà còn đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích cho cả những người lao động không phải là đoàn viên công đoàn.
Nội dung đại diện và bảo vệ người lao động của tổ chức công đoàn cơ sở được thể hiện trong tất cả các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động, tập thể lao động trong quan hệ lao động như: tham gia xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thường, nội quy lao động, quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; được tham khảo ý kiến khi người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc vì lý do kinh tế hoặc doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ, xử lý kỷ luật lao động, tạm đình chỉ công việc người lao động,… Ngoài ra, công đoàn cơ sở còn tham gia t hương lượng tập thể, ký kết và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể, xây dựng quy chế dân chủ tại đơn vị, đồng thời tham gia, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động, đối thoại, hợp tác với người sử dụng lao động xây dụng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.
Việc tham gia của tổ chức công đoàn cơ sở ở những lĩnh vực trên nhằm đảm bảo hơn quyền và lợi ích của người lao động khi tham gia quan hệ lao động. Từ đó, giúp các bên hiểu biết nhau hơn nhằm duy trì quan hệ lao động lâu dài.
2.2. Vai trò của tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở
Đối với tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Công đoàn 2012, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là một cấp trong hệ thống tổ chức công đoàn, trực tiếp thực hiện quyền công đoàn cơ sở, chỉ đạo hoạt đông công đoàn cơ sở và liên kết công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Đó chính là liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, công đoàn ngành địa phương, công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, công đoàn tổng công ty và một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đặc thù khác (gọi chung là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở).
a, Điểm mới trong vai trò
Với tư cách là cấp công đoàn trung gian, làm cầu nối giữa Liên đoàn đoàn lao động cấp tỉnh và công đoàn ngành với công đoàn cơ sở, có vai trò quan trọng trong việc đại diện và bảo vệ quyền lợi người lao động. Để công đoàn cơ sở thực hiện tốt vai trò của mình, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm hỗ trợ công đoàn cơ sở thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của công đoàn cơ sở. Đồng thời, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở còn có trách nhiệm tuyên truyền giáo dục, nâng cao hiểu biết về pháp luật về lao động, pháp luật về công đoàn cho người lao động.
Đặc biệt, điểm mới so với trước đây: theo khoản 3 Điều 188 Bộ luật lao động, ở những nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở sẽ thực hiện trách nhiệm như công đoàn cơ sở. Vì trên thực tế, không phải đơn vị sử dụng lao động nào cũng thành lập được tổ chức công đoàn cơ sở. Do vậy, theo quy định trước đây, nếu đơn vị không thành lập công đoàn cơ sở thì không có ai đại diện và bảo vệ cho người lao động, trừ trường hợp trong lĩnh vực đình công thì tập thể lao động ở nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở có thể bầu đại diện để tổ chức là lãnh đạo đình công (Điều 172a Bộ luật lao động cũ). Việc quy định sự tham gia của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở vào quan hệ lao động nhằm khắc phục thực trạng này, hướng đến “phủ kín” công đoàn trong các đơn vị, từ đó bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích của người lao động, tập thể lao động trong đơn vị không/ chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, tránh tình trạng bất bình đẳng về quyền và lợi ích giữa những người lao động khi tham gia quan hệ lao động về các quyền thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, quyền được đại diện tham gia khi ngườ iswr dụng lao động ban hành nội quy lao động, xây dựng quy chế lương, quy chế thường,…
b, Tính thực tế của vai trò trong diễn biến quan hệ lao động
Việc quy định công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện vai trò đại diện cho tập thể lao động tại nơi chưa có công đoàn cơ sở, có thể làm phát sinh một số điểm chưa hợp lý. Ví dụ, vì không do người lao động trực tiếp bầu ra thì cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở liệu có đủ khả năng, điều kiện để đại diện cho ý chí chung của tập thể lao động không? Hơn nữa, khi không hoạt động thường xuyên tại đơn vị sử dụng lao động, liệu cán bộ công đoàn này có đủ am hiểu về tình hình thực tế của đơn vị (như công nghệ, vốn, doanh thu, quản lý lao động,…) cũng như điều kiện của người lao động, tập thể lao động (số lượng, chất lượng lao động, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, thu nhập…) để đưa ra quan điểm, ý kiến xác đáng trong việc bảo vệ người lao động không? Ngoài ra, với số lượng lớn các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn, trong số lượng chỉ tiêu được biên chế, cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở liệu có thực hiện tốt được vai trò này không?
c, Tổ chức công đoàn các cấp nói chung
Đối với tổ chức công đoàn các cấp nói chung, khoản 4 Điều 188 quy định các cấp công đoàn này có vai trò trong việc tham gia với cơ quan quản lý nhà nước cung cấp và tổ chức đại diện người sử dụng lao động để trao đổi, giải quyết các vấn đề vè lao động. Điều này đã thể hiện sự chú trọng của Nhà nước đến sự phối hợp của ba bên (tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước) trong việc tổ chức cũng như giải quyết các vấn đề của quan hệ lao động. Sự tham gia của ba chủ thể theo cơ chế ba bên sẽ góp phần xây dựng và duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Đúng như nguyên tắc xác lập quan hệ lao động và sự tham gia của các chủ thể này quy định ở khoản 2 Điều 7 Bộ luật lao động 2012: “Công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động tham gia cùng với cơ quan nhà nước hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; giám sát việc thi hành các quy định của pháp luật về lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.”
Trên đây là nội dung Vai trò của công đoàn trong quan hệ lao động Lawkey gửi tới bạn đọc
Thủ tục xử lý kỷ luật sa thải người lao động
Thủ tục xử lý kỷ luật sa thải người lao động được tiến hành như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới [...]
Tạm đình chỉ công việc theo quy định của Bộ luật lao động 2012
Người lao động có thể bị tạm đình chỉ công việc khi thuộc các trường hợp luật định. Dưới đây là tạm đình chỉ [...]