Mức phạt vi phạm quy định về quyền nuôi con sau khi ly hôn
Pháp luật Việt Nam đã có những quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn. Tuy nhiên việc áp dụng các quy định này trong thực tiễn còn có những bất cập, vậy mức phạt vi phạm quy định về quyền nuôi con sau khi ly hôn là bao nhiêu?
Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con sau khi ly hôn
Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014, nêu rõ: Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
> Lưu ý:
– Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
– Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể của mỗi bên như sau:
Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
- Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Xem thêm: Quyền nuôi con sau khi cha mẹ ly hôn theo quy định mới nhất
Mức phạt vi phạm quy định về quyền nuôi con
Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người nào có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa cha, mẹ và con thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng.
Đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng sau khi ly hôn, giữa cha mẹ và con sau khi ly hôn thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng.
Bên cạnh đó, khi đã có quyết định của Tòa án yêu cầu cha hoặc mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con nhưng không thực hiện bản án mặc dù có đủ điều kiện và đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thì có thể bị phạt tối đa 5 năm tù giam theo quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, nếu việc trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ khiến người con lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe thì có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về quy định của pháp luật trong trường hợp vi phạm quyền nuôi con sau khi ly hôn. Nếu có thắc mắc liên hệ Lawkey để tư vấn.
Tài sản của vợ chồng khi kết hôn được xác định như thế nào?
Sau khi kết hôn, tài sản của vợ chồng khi kết hôn bao gồm khối tài sản được người vợ hoặc người chồng tạo lập [...]
Quy định chung về nghĩa vụ cấp dưỡng theo Luật hôn nhân và gia đình
Giữa những thành viên trong gia đình thì nghĩa vụ cấp dưỡng là một trong những nghĩa vụ được đặt ra. Dưới đây là quy định [...]